Chuyện chưa kể về những con người làm nên iPhone
Cuốn sách “The One Device: The secret history of the iPhone”, ra mắt vào ngày 20/6, ghi lại hành trình từ những khu mỏ ở Kenya cho tới các nhà máy ở Trung Quốc và cuối cùng là trụ sở của Apple. Zing lược dịch bài viết từ The Verge, nói về những con người đứng sau dự án làm ra iPhone - chiếc smartphone vĩ đại nhất của thập kỷ - được nhắc đến trong cuốn sách.
N
ếu là nhân viên Apple vào đầu những năm 2000, bạn có thể cảm nhận một điều bất thường: mọi người dường như đang biến mất.
Mọi chuyện lúc đầu có vẻ chẳng có gì to tát cho lắm. Rồi một ngày nọ, anh kỹ sư ngôi sao của tập đoàn bỗng dưng biến mất khỏi chỗ ngồi quen thuộc. Những thành viên chủ chốt cứ thế biến mất. Không một ai biết chính xác họ đi đâu và vì sao.
“Tôi có nghe một vài lời đồn về vụ này rồi, họ bảo rằng đang tiến hành một dự án về thứ gì đó ghê gớm lắm, đó là lý do thành viên giỏi nhất của mỗi nhóm đều bị lôi dự án đầy bí ẩn này”, Evan Doll, người sau này trở thành kỹ sư phần mềm tại Apple chia sẻ.
Theo những gì Evan Doll biết được, đây chính là số phận tiếp theo của những kỹ sư giỏi nhất này. Đầu tiên, một vài vị giám đốc xuất hiện tại văn phòng họ làm việc, không một lời thông báo, sau đó đóng sập cửa lại. Chẳng hạn như Giám đốc lập trình Henri Lamiraux và Giám đốc phần mềm Richard Williamson.
Đối tượng mà họ nhắm tới lần này là kỹ sư tài năng kiêm "ma mới" Andre Boule. Anh ấy chỉ mới làm việc ở đây được vài tháng. “Henri cùng tôi tiến vào văn phòng, sau đó chúng tôi thay nhau thuyết phục Andre rằng anh ấy là một kỹ sư tài giỏi, rằng anh ấy là một phần rất cần thiết cho dự án bí mật này và chúng tôi muốn anh ấy làm việc cho dự án ấy ngay hôm nay. Duy chỉ có một điều là chúng tôi không thể cho anh biết anh sẽ làm việc gì cũng như anh sẽ làm với ai”, Williamson hồi tưởng.
Lúc đầu Boule khá là bất ngờ sau đó chuyển sang hoài nghi thực sự, rồi bảo rằng “Liệu có thể cho tôi ít thời gian suy nghĩ không?”. Chúng tôi kiên quyết trả lời “không” và từ chối tiết lộ thêm. Tuy nhiên, vào cuối ngày, Boule chấp thuận yêu cầu mà chúng tôi đưa ra. Tôi và Henri tiếp tục công cuộc săn đầu người cho nhóm mới bí mật nhất này, ở khắp mọi ngõ ngách trong công ty.
Ắt hẳn các bạn đã mường tượng ra được số phận và chức năng của nhóm bí ẩn nhất này rồi đấy, những thành viên đồng ý mọi điều khoản của chúng tôi sẽ trở thành một phần cho sự ra đời của chiếc iPhone.
Số phận của từng thành viên trong nhóm bí mật đã không còn phẳng lặng, nhạt nhẽo như trước nữa. Trong khoảng thời gian hai năm rưỡi, họ phải làm việc hết năng suất, làm thêm ngoài giờ để cho ra đời một sản phẩm có sức ảnh hưởng lớn đến thế giới công nghệ. Thời gian riêng tư dành cho bản thân cũng bị tước đoạt và tuyệt đối không được đề cập bất cứ thứ gì về công việc mình đang làm.
“Steve Jobs làm công tác tư tưởng với các nhân viên trong nhóm rằng ông không muốn để lọt ra bất cứ thứ gì dù nhỏ nhặt nhất từ dự án này. Nếu ai đó cố tình vi phạm, họ buộc phải rời công ty”, Tony Fadell, một thành viên trong ban quản trị Apple chia sẻ.
“Tôi không thể nói gì thêm về dự án mới này và cũng không thể cho bạn biết ai sẽ là đồng nghiệp của bạn”, Tony nhấn mạnh.
Khi đó, Jobs căn dặn Scott Forstall - lập trình viên đầu não của chiếc iPhone đầu tiên rằng anh ấy không được "thở" ra bất cứ thông tin gì cho dù chỉ là một từ về chiếc điện thoại mới cho bất kỳ ai ngoài thành viên trong nhóm.
“Anh Steve, vì lí do bảo mật tuyệt đối không cho tôi thuê người ngoài về lập trình giao diện người dùng. Vì thế ảnh bảo hai ông Henri và Richard đi săn đầu người ngay trong Apple. Trước đó, tiêu chí mà Steve đưa ra cho dàn lính mới là không được thắc mắc về bất cứ thứ gì liên quan tới dự án, nó bí mật đến nỗi Steve không thể nói thêm về dự án này là gì và cũng không thể cho họ biết ai sẽ là đồng nghiệp".
"Nhưng có một điều Steve luôn muốn cho nhân viên trong nhóm biết rằng: nếu đồng ý nhận công việc này, họ phải đặt nó lên trên tất cả mọi thứ, kể cả những buổi vui chơi tiệc tùng hoặc những ngày nghỉ cuối tuần trong khoảng thời gian thai nghén sản phẩm”, Forstall nói.
May mắn một cách thần kỳ, tất cả những người tài năng nhất của công ty đều đồng ý vào làm việc cho dự án iPhone, mọi người đều rất tuyệt vời. Những thành phần trong nhóm là một tổ hợp của mọi thiên tài trong mọi lĩnh vực từ cậu nhóc lập trình trẻ trung mới nổi tới anh thiết kế già gân hay cậu kỹ sư tài năng kiêm ma mới và cả những vị quản lý tai to mặt lớn từng làm việc với Steve Jobs nhiều năm liền.
Nhóm bí mật “quần anh tụ hội” này sau đó trở thành một trong những người đi tiên phong cải cách góc nhìn của người dùng toàn cầu với thế giới công nghệ trong thế kỉ 21.
Một trong những sức mạnh tối thượng của Apple là biết cách dán nhãn cho mỗi sản phẩm của mình và biến chúng trở nên dễ dàng với một số lượng lớn người sử dụng.
“iPhone chính là lý do tôi ly hôn”, Andy Grignon, lập trình viên iPhone cho hay. Hầu như tất cả mọi nhân viên hay kỹ sư lập trình iPhone đều có cùng một câu trả lời khi được hỏi. “Vâng, iPhone phá hỏng hạnh phúc êm ấm của kha khá gia đình”, nhiều kỹ sư khác đồng tình.
“Làm việc trong này căng như dây đàn và có thể coi là khoảng thời gian tồi tệ nhất đời tôi. Bạn cứ thử tự mường tượng xem, làm việc trong môi trường toàn những con người tài ba, quần quật cho kịp deadline "siêu quá đáng" và hoàn thành một nhiệm vụ bất khả kháng", một người trong nhóm dự án cho biết.
Đó là tương lai sau này của tập đoàn bỗng dưng đặt nặng trên đôi vai gầy của mọi thành viên trong nhóm, việc này đúng là một hỗn hợp của mọi sự tồi tệ trên thế gian này và tất cả đổ dồn vào bạn. Khi dấn thân vào công việc này, sẽ không còn cái cảm giác vui sướng muốn đập phá tất cả mỗi khi hoàn thành xong một việc gì đó. Tất cả đều là cảm giác ngờ ngợ, mệt mỏi vì bạn chỉ cần quay lưng với nó một ngày thì y như rằng mấy cái lỗi ngớ ngẩn chực chờ ở đâu đó nhảy xổ ra phá tan mọi thứ.
Dự án chế tạo iPhone được Steve Jobs đề nghị với Apple vào khoảng cuối năm 2004, nhưng ý tưởng hình thành ra nó lại xuất phát từ lâu hơn thế.
“Tôi biết nhiều người nhìn vào mẫu thiết kế khi đó đều nhận xét rằng nó chả giống bất kì chiếc máy tính nào đâu, nhưng nó giống như vậy thật. Thực ra, nó phức tạp hơn nhiều, về khía cạnh lập trình, hơn hẳn nhiều máy tính khác cùng thời. Hệ thống vận hành của mẫu iPhone này cũng tinh vi như của mấy loại máy tính khi ấy. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 30 năm, nó như là một cuộc cách mạng của hệ thống vận hành máy tính mà chúng tôi ra sức chế tạo”, Williamson chia sẻ.
Giống như nhiều phát kiến công nghệ cao thời ấy, lúc mới ra mắt iPhone cũng có rất nhiều đối thủ cạnh tranh. Đã có khoảng 5 mẫu thiết kế điện thoại di động khác nhau cũng như những dự án liên quan tới điện thoại từ những nghiên cứu nhỏ lẻ cho tới những dự án lớn đang kêu gọi hợp tác, tất cả nổi lên như bong bóng tại Apple khi ấy, giữa thập niên 2000.
Ở một khía cạnh khác, các thiết kế của iPhone dường như không có một bước đệm khởi đầu cụ thể nào cả, chúng luôn cải tiến từ vô số những ý tưởng trước và từ những mẫu thử, những sáng kiến của nhiều bộ não thiên tài không khi nào ngơi nghỉ cùng với suy nghĩ phải vực dậy công ty.
“Có rất nhiều yếu tố dẫn tới sự ra đời của iPhone tại Apple. Đầu tiên, Apple được nhiều người biết đến là công ty chế tạo máy tính Mac, danh tiếng có thừa nhưng lợi nhuận lại chẳng được bao nhiêu. Sau đó, chúng tôi lại đạt được thành tựu lớn khi cho ra đời iPod và iTunes và chúng góp phần thay đổi góc nhìn của mọi người về Apple từ bên trong lẫn bên ngoài. Vậy thì, nếu chúng tôi đã đạt được thành công với iPod rồi, tiếp theo sẽ là gì đây? Camera, xe hơi, đủ loại phát kiến điên rồ mà mọi người có thể nghĩ ra. Cuối cùng, chúng tôi quyết định đi theo hướng chế tạo một chiếc điện thoại”, Phil Schiller, phó chủ tịch mảng tiếp thị toàn cầu tâm sự.
Từ lúc Steve Jobs trở về nhận lấy trọng trách vực dậy Apple từ năm 1997, anh ấy thúc đẩy doanh thu của tập đoàn bằng cách đưa các dây chuyền sản xuất máy tính Mac trở lại làm việc hiệu quả, nhưng cũng chỉ thu được khoản lợi nhuận nhỏ.
Tuy nhiên, từ khi ra mắt iPod, Apple mới trở thành thế lực có sức ảnh hưởng lớn đến văn hóa và kinh tế toàn thế giới, đồng thời còn đánh dấu một bước chuyển mình của Apple vào lĩnh vực công nghệ điện tử. Hơn nữa, iPod góp phần cung cấp hình mẫu cho sự ra đời của iPhone.
“Sẽ không có chiếc iPhone nào nếu như không có iPod”,, người làm ra cả hai nhận xét.
Chiếc iPod được Fadell nhân cách hóa thành “the Podfather” (phụ thân iPhone) chính là nhân tố dẫn đầu của việc hình thành nên chiếc iPhone bây giờ.
Để tìm hiểu kỹ hơn về sự khai sinh của chiếc iPhone, chúng ta nên bắt đầu với iPod. Vào khoảng thời gian ấy, iPod chiếm 50% doanh số bán hàng của Apple, nhưng khi iPod ra mắt lần đầu vào năm 2001, hầu như chả ai quan tâm tới sự tồn tại của chúng. Lúc ấy, mọi người chỉ quan tâm tới iTunes vì đó là phần mềm rất tiện dụng trong việc chơi/quản lý các bản nhạc ưa thích và nó chỉ chạy trên hệ điều hành Mac.
“Anh muốn chuyển iTunes lên PC thì phải bước qua xác tôi đã”, Steve Jobs bảo Fadell khi ông ấy bộc lộ ý kiến muốn chuyển iTunes lên Windows. Cũng trong khoảng thời gian đó, Fadell đã bí mật tập hợp một nhóm riêng nhằm đưa iTunes lên Windows và mọi chuyện đã được chuẩn bị đâu vào đó.
“Cũng tốn gần 2 năm cho Steve Jobs sáng mắt ra là doanh thu của Apple ngày càng đi xuống bởi chuyện ấy và thời cơ của chúng tôi là đây, chúng tôi đã thành công vang dội”, Fadell nói. Thành công nói trên góp phần đưa hàng trăm, hàng triệu chiếc iPod tới người sử dụng.
Ra đời vào năm 2001, trở thành cú hit năm 2003, lụi tàn đầu năm 2004. Nguyên nhân của vụ việc trên là do các thiết bị di động đã bắt đầu tích hợp tính năng chơi nhạc MP3.
“Nếu bạn chỉ mang một thiết bị chơi nhạc, nhưng lại có loại khác vừa chơi nhạc được, lại gọi điện thoại nhắn tin, thì bạn chọn loại nào?”, Fadell nói.
Có một điều mà từ Steve Jobs cho tới các thành viên cấp cao của Apple, hay từ các kỹ sư cấp dưới đều đồng ý: trước khi có iPhone, mọi chiếc điện thoại do Apple làm ra đều là thảm họa.
“Apple được coi là bậc thầy trong lĩnh vực sửa chữa những thứ mà mọi người đều ghét”, Greg Christie, Giám đốc nhân sự tại Apple chia sẻ. Trước khi iPod xuất hiện, người dùng hầu như biết sử dụng một chiếc máy nghe nhạc đúng cách. Họ hay dùng những chiếc máy Walkman hay loại dùng đĩa CD cồng kềnh.
“Khoảng một năm trước khi dự án iPhone bắt đầu thành hình, thậm chí ngay trong nội bộ Apple, chúng tôi đều rỉ tai hỏi nhau lý do những chiếc điện thoại ấy lại tồi tệ đến thế”, Nitin Ganatra, người quản lý email cho Apple cho hay. Nhưng, điều đó như là một chân lý bất di bất dịch tại Apple, một khi Apple thất bại ở sản phẩm nào đó, chúng tôi ra sức sửa chữa và biến nó trở thành một hiện tượng toàn cầu tại chính cái thất bại ấy, Apple đã thành công nhiều lần không lẽ lại không thể thành công lần nữa.
“Nhiều nhân viên và kỹ sư cấp cao cố gắng thuyết phục Steve tin rằng chế tạo một chiếc điện thoại thế hệ tiếp theo mới là con đường đúng đắn làm cho Apple phát triển. Anh ấy dường như không thấy được tính hiệu quả trong kế hoạch này chút nào, cũng phải thôi, Apple đã chịu nhiều thất bại trong lĩnh vực này còn gì” Grignon nói.
Một trong những thành viên kiên trì thuyết phục Steve Jobs nhiều nhất chính là Mike Bell. Một kỹ sư dày dạn kinh nghiệm đã bám trụ ở Apple và Motorola khoảng 15 năm. Bell cố gắng giải thích rằng công nghệ máy tính, máy chơi nhạc và điện thoại di động đang vươn dần tới đỉnh cao của thế giới công nghệ.
Vào ngày 7/11/2004, Bell gửi Jobs một bức email với đại ý rằng: “Steve à, tôi biết anh không muốn làm thêm bất cứ chiếc điện thoại nào nữa. Nhưng hãy nghe tôi, Jony Ive có một vài bản thiết kế rất tuyệt cho chiếc iPod thế hệ mới. Chúng ta hãy thử tích hợp vào trong ấy một vài phần mềm của Apple và tạo ra một chiếc điện thoại của chúng ta thay vì cứ chế tạo phần mềm rồi bỏ vào sản phẩm của hãng khác”.
Ngay sau đó, Jobs gọi cho Bell và hai người cãi nhau hàng tiếng đồng và rốt cuộc, Steve Jobs cũng đã sáng mắt ra và chịu nhượng bộ. Dự án chế tạo iPhone chính thức khởi động.
Nhiều năm về trước, một nhóm kỹ sư tài năng của Apple đã phác thảo bản mẫu của thiết bị có khả năng đa tương tác. Mẫu đầu tiên là máy tính bảng Q79 - tiền thân của iPad sau này. Tuy nhiên, giá thành của nó quá đắt để đưa vào sản xuất hàng loạt. Việc tung ra thị trường sẽ làm cho Apple không thu về đồng lợi nhuận nào. Sau này, ý tưởng thu nhỏ mẫu Q79 trên được đề xuất, kích thước và chức năng của nó sẽ giống như một chiếc điện thoại đúng nghĩa.
“Q79 phải được tích hợp màn hình cỡ nhỏ, màn hình cảm ứng, nhớ là không được đính lên ấy bất kì cái nút nào, mọi chức năng đều phải được thực hiện qua cái màn hình ấy”, Steve Jobs dặn dò.
Steve Jobs yêu cầu Bas Ording - người chế tạo giao diện người dùng cảm ứng, lập trình thử nghiệm một danh bạ sử dụng động tác tay để kéo lên/xuống. Ording sau đó đã thử thiết kế nhiều bản mẫu trên màn hình máy tính Mac của anh ấy mà không cần dùng chuột. Công việc này đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn và tỉ mỉ ở từng công đoạn và tốn nhiều năm để hoàn thành.
“Chúng tôi đã thiết kế rất nhiều mẫu thử, trong đó có một loại kiểu như trang web chứa nhiều hình ảnh mà người dùng có thể kéo lên/xuống bằng lực tay”, Bas Ording chia sẻ
Để giúp người dùng phân biệt được khi nào họ đã kéo tới đầu trang hoặc tận cùng của trang, Ording thêm vào đó hiệu ứng bật ngược lại khi chạm giới hạn của một trang.
“Ording gọi điện thoại cho tôi và đưa cho tôi xem bản thiết kế Q79 được cải tiến, màn hình cảm ứng với mấy cái hiệu ứng ấy. Tôi đã gần như phải thốt lên rằng: 'Lạy chúa tôi, cuối cùng chúng ta có thể tạo ra được một chiếc điện thoại nghiêm chỉnh rồi”, Steve Jobs tâm sự.
Sau khi tập hợp đầy đủ mọi thành phần ưu tú từ các phòng ban khác vào nhóm bí mật nhất Apple này, kế hoạch khai sinh iPhone được nhanh chóng thúc đẩy và triển khai.
Việc đầu tiên là thiết kế ra những biểu tượng (icon) ứng dụng trên smartphone và chúng phải được thực hiện trong vòng một đêm, nhóm thiết kế phải hoàn thành bản thử nghiệm sớm nhất trước cái deadline nghiệt ngã mà Steve Jobs đưa ra.
“Chúng tôi bỏ cả đêm quên ăn quên ngủ thiết kế mấy cái icon ấy và còn phải trải qua nhiều lần chỉnh sửa trong nhiều năm mới hoàn thành được sản phẩm như bây giờ. Chúng tôi đều bật cười khi nghĩ về khoảng thời gian ấy, những bộ icon cho iPhone được sử dụng cho cả thập kỉ và có thể sẽ luôn ở mãi trong lòng người dùng nhưng chỉ được thiết kế trong vài tiếng đồng hồ”, Imran Chaudhri, người thiết kế cho chiếc iPhone đời đầu chia sẻ.
Chaudhri sau đó còn sử dùng nhiều mẫu thử bằng gỗ mô phỏng các kích thước của iPhone để xác định kích cỡ vừa vặn cho những icon này, giúp người dùng không gặp khó khăn trong việc trải nghiệm sản phẩm bằng tay.
Ý tưởng về việc tích hợp khả năng đa tương tác cho điện thoại di động cũng như những tính năng trên có tương lai rất xán lạn đối với thế giới công nghệ lúc ấy, vốn đang tràn ngập sự buồn chán. Nhưng, cái mà sản phẩm đang thiếu đó là sự đồng nhất.
“Đó chỉ mới là những bản phác thảo thô sơ. Những ý tưởng vụn vặt, một chút chỗ này, một chút chỗ kia, đầu thừa đuôi thẹo. Tôi công nhận rằng chúng đều là những ý tưởng tuyệt hảo, nhưng chúng ta không có một cái sườn, một cái ý tưởng then chốt góp phần kết nối các ý tưởng kia lại, vì thế có khả năng sản phẩm hoàn chỉnh sẽ không thể ra mắt”, Greg Christe nói với Steve Jobs.
Lúc ấy, Steve Jobs đưa ra một tối hậu thư rằng “Từ tháng 02/2005, anh có hai tuần để giải quyết triệt để vấn đề này”.
Từ Bas, Imran, Christie cho đến mọi thành viên ưu tú khác đều tận dụng hết mọi khả năng, chạy đua với thời gian để hoàn thiện sản phẩm.
“Chúng tôi bắt đầu từ phần nền tảng cơ bản nhất”, Christie nói. Mỗi lập trình viên đều được giao phần nhỏ trong cái đống hỗn độn ấy để thiết kế ứng dụng, sau đó cả nhóm cùng trải qua hai tuần thức trắng để hoàn thiện hình dáng căn bản nhất của chiếc iPhone.
“Sau khoảng thời gian hai tuần địa ngục, chúng tôi cho Steve thấy mẫu thử hoàn thiện nhất, nó có nút Home, có danh bạ điện thoại tương tác được, khả năng gọi đến/đi ổn định và bản demo của Safari”, Christie chia sẻ. Steve Jobs rất hài lòng về nó.
Đây là một phát kiến thành công ngoài sức mong đợi và Steve Jobs mong muốn công bố cho nội bộ ban điều hành Apple rằng “bản thử điện thoại di động đúng nghĩa” đã được định hình và bắt đầu giai đoạn phát triển. Steve Jobs còn muốn họ hiểu được tầm quan trong của chiếc điện thoại lần này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tương lai của công ty, đối với những con người của công ty, dù là lính mới hay cựu binh, đây chính là cơ hội đổi đời hoặc mất trắng.
“Từ khoảng thời gian tiếp theo cho tới tháng 5, chúng tôi tiếp tục lao đầu vào định hình cho nội dung chi tiết của những ứng dụng cần thiết. Kiểu như khi sử dụng một chiếc lịch cầm tay thì nó sẽ trông như thế nào, việc gửi/nhận email sẽ ra sao, chơi nhạc trên iTunes phải như thế nào. Tôi có mượn một vài ý tưởng từ thiết kế của chiếc iPod để xây dựng một khung sườn thiết kế cho nhóm dễ hình dung”, Christie nói.
Christie chỉ dùng một từ để miêu tả cường độ công việc lúc ấy của cả nhóm phát triển iPhone đó là “cục súc”. Mọi người làm việc hùng hục như một chiếc máy cày và đều đặn như vắt chanh vậy. Họ đóng quân tại nhà Christie hầu như cả ngày, đó đúng là khoảng thời mà không ai muốn nhớ lại.
Cuối cùng, dường như để đền đáp lại những tháng ngày lăn lộn cực khổ của mọi người trong nhóm, kết quả tuyệt hảo đến bất ngờ, Steve Jobs đã dùng nó để thuyết phục thành công từng người trong ban quan trị và từ đó kỉ nguyên của iPhone bắt đầu.
Khi Fadell nghe ngóng được được một dự án chế tạo điện thoại di động đang được thành hình, anh ấy đem bản thiết kế của chiếc iPod Phone tới ban điều hành Apple và bàn bạc. Thành thực mà nói, sản phẩm thành công nhất của Apple lúc bấy giờ chính là chiếc iPod, thế thì sao chúng ta không tận dung danh tiếng có sẵn ấy rồi chế tạo một chiếc điện thoại iPod.
“Người dùng có thể vừa gọi điện thoại vừa nghe nhạc và chúng ta lại không đánh mất uy tín sản phẩm iPod mà Apple đã mất nhiều năm xây dựng, tốn 1 tỷ rưỡi USD để đưa iPod tới toàn thế giới chứ ít gì”, Fadell nhận xét.
“Thay vì cứ bám giữ hoài cái nhãn hiệu cũ ấy thì chúng ta hãy kết hợp chúng lại đi, chúng tôi đã có sẵn thiết kế với nhiều tính năng mới rồi. Hãy cùng kết hợp iPod vào chiếc điện thoại di động”, Andy Grignon thuyết phục.
Mỗi dự án tuyệt mật của Apple đều được gán mật danh và, cuộc "thai nghén" iPhone có tên là Purple (màu tím).
Nhiều người thắc mắc rằng tại sao lại là màu đó? Rất ít người nhớ được lí do. Một giả thuyết thú vị được đặt ra là dự án lấy tên của con chuột túi màu tím thuộc sở hữu Scott Herz - một trong những kỹ sư đầu tiên làm trong dự án iPhone. Anh ấy là người lập trình ứng dụng mang tên Radar, một hệ thống mà sau này Apple sử dụng để tìm ra các lỗi bug và glitch trong hệ thống máy tính công ty.
Đội ngũ chế tạo iPod bắt tay làm việc để chế tạo một pod-phone từ bản thiết kế gốc của chiếc iPod sẵn có. Ý tưởng của họ là tạo ra một chiếc iPod có hai chế độ riêng biệt: máy nghe nhạc và điện thoại.
"Chúng tôi phác thảo sản phẩm này theo hướng khác. Thiết bị vẫn sẽ giữ lại chiếc nút cảm ứng kiểu bánh xe truyền thống của iPod với các tính năng cũ là Play/Pause/Next/Previous đính chìm ở bên trong. Nhưng khi người dùng chuyển sang chế độ của một chiếc di động, các tùy chọn của máy nghe nhạc sẽ biến mất khỏi chiếc nút xoay cảm ứng và thay vào đó là một bàn phím số quay theo kiểu những chiếc điện thoại bàn cũ kĩ với bàn phím chữ bọc bên ngoài".
"Khi chuyển lại chế độ nghe nhạc, giao diện người dùng và hình nền của sản phẩm sẽ có màu xanh. Khi ở chế độ điện thoại, phông nền nhanh chóng chuyển thành màu cam và bàn phím sẽ xuất hiện như đã miêu tả ở trên”, Grignon chia sẻ.
“Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là nó rất khó để sử dụng thành thạo, người dùng không muốn sử dụng loại bàn phím phiền phức như vậy”, Fadell chia sẻ.
“Từ đó, tôi đã nghĩ tới trường hợp xây dựng một hệ thống bàn phím có khả năng tiên đoán. Cụ thể, sẽ có một bảng chữ cái đặt dưới màn hình và người dùng cứ xoay cái nút cảm ứng để chọn chữ, từ một chữ sẽ ra thành từ và câu. Đương nhiên là sẽ kèm theo một lượng database lớn chuyên về từ ngữ và chính tả này nọ, nhưng ý tưởng đó còn khá lan man mờ mịt”, Bas Ording nói.
Tuy nhiên, Steve Jobs cho rằng thiết kế trên vẫn không thu hút bằng loại đa cảm ứng.
Đương nhiên là iPod phone không được mọi người ủng hộ cho lắm. Khi Apple họp ban điều hành và hội đồng công ty để bàn ra hướng đi đúng đắn cho sản phẩm tiếp theo và có một vấn đề làm cho dự án iPhone có khả năng tan biến. Phil Schiller - Trưởng ban Marketing của Apple nói rằng anh ấy muốn một chiếc điện thoại có bàn phím vật lý hoặc là không gì cả.
Chia sẻ: