Đây là câu chuyện đã từng xảy ra trong cuộc đời của một doanh nhân ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
15 năm trước, tôi đến thành phố đó công tác, bàn chuyện làm ăn. Tôi nhớ mình đã đến trung tâm thương mại mua một ít đồ tặng đồng nghiệp.
Thông thường, khi đi dạo phố, tôi thích đem theo một ít tiền xu bởi gần các trung tâm thương mại đôi khi có người ăn xin, cho họ một hai đồng sẽ giúp chính bản thân tôi thấy nhẹ nhõm, thư thái.
Hôm đó cũng vậy, trong túi tôi cũng có một ít tiền xu. Không chần chừ, tôi đã đưa hơn chục đồng cho một nhóm trẻ ăn xin.
Khi đó, tôi nhìn thấy một bé gái đang giơ cao một tấm biển nhìn tôi. Rõ ràng, cô bé muốn thu hút sự chú ý của tôi. Tôi tiến lại gần, đoán cô bé khoảng 13-14 tuổi, quần áo đã rất cũ nhưng vẫn sạch sẽ, tóc được chải gọn gàng.
Không giống như những cô cậu bé khác cầm chiếc bát sứ giơ về phía người khác, trên tấm biển cô bé cầm có vẽ một bé gái đang đánh giầy và dòng chữ: “Cháu muốn có một cái hộp đánh giày”.
Khi đó, tôi không vội cho lắm nên quyết định đứng lại một lát, hỏi cô bé cần bao nhiêu tiền. Cô bé đáp: “135 đồng”. Tôi lắc đầu, nói rằng chiếc hộp đánh giày mà cô bé muốn quá đắt.
Thế nhưng cô bé đáp lại rằng giá đó không hề đắt và giải thích rằng mình đã đến chỗ bán buôn 4 lần, đã xem qua một số cái và muốn mua một chiếc hộp chuyên dụng, có ghế, có si đánh giầy… Nếu không có đủ 135 đồng sẽ không thể mua được.
Cách nói của cô bé, dù là nói giọng địa phương nhưng vô cùng mạch lạc, gãy gọn. Tôi liền hỏi cô bé hiện tại có bao nhiêu tiền, cô bé trả lời ngay lập tức, không một giây đắn đo: Cháu đã có 35 đồng, còn thiếu 100 đồng.
Tôi nghiêm túc nhìn cô bé, xác định nó không giống một đứa trẻ đang lừa lọc để lấy tiền, liền rút ví, lấy ra 100 đồng và nói:
“100 đồng này cho cháy, coi như ta đầu tư cho cháu. Có một điều kiện, từ lúc nhận tiền này trở đi, chúng ta đã là đối tác làm ăn.
Ta ở thành phố này 5 ngày, trong 5 ngày đó, cháu không những phải trả lại cho ta đủ 100 đồng mà còn phải trả thêm 1 đồng tiền lãi. Nếu đồng ý, 100 đồng này thuộc về cháu.”
Thay vì xin vài đồng xu lẻ, bé gái đã muốn xin một khoản tiền lớn hơn rất nhiều để đầu tư vào công việc đánh giày thuê. Ảnh minh họa.
Cô bé không giấu được sự hưng phấn, gật đầu đồng ý ngay. Nói chuyện với tôi, cô bé kể rằng mình đang học lớp 6, mỗi tuần chỉ đi học 3 buổi, còn lại thì đi chăn trâu, chăn dê và làm đồng giúp mẹ. Thế nhưng thành tích học tập của cô bé vẫn đứng trong nhóm 3 bạn xuất sắc nhất lớp.
Tôi có hỏi tại sao muốn mua hộp đánh giày, cô bé thẳng thắn nói rằng: “Vì nhà nghèo nên cháu muốn tranh thủ nghỉ hè, kiếm tiền đóng học phí.”
Tôi dành cho cô bé ánh mắt tán dương, sau đó cùng cô bé đến điểm bán buôn mua một chiếc hộp giày và một số dụng cụ đánh giày khác.
Đeo chiếc hộp trên lưng, cô bé muốn “mở hàng” ngay gần trung tâm thương mại. Tôi lắc đầu nói: “Là đối tác của cháu và để thu hồi vốn đầu tư, ta có nghĩa vụ phải nhắc cháu chọn địa điểm kinh doanh. Trong trung tâm thương mại có máy lau chùi giày, rất nhiều người biết.”
Nghĩ một lát, cô bé hỏi: “Nếu vậy cháu chọn khách sạn đối diện thì thế nào?”
Đây là thành phố du lịch, ngày nào cũng có rất đông người đến khách sạn đó, chắc chắn du khách sẽ muốn có những đôi giày sạch để đi chơi đây đó. Nghĩ đến đây, tôi gật đầu đồng ý với phương án của “đối tác làm ăn”.
Cô bé nhanh chóng tìm một góc khuất gần cửa khách sạn, đặt đồ nghề xuống và nhìn ngó xung quanh rồi hỏi tôi: “Sao chú không yêu cầu cháu bây giờ phải trả luôn cho chú 1 đồng tiền lãi? Chú có lẽ cũng biết trình độ phục vụ của cháu rồi đấy.”
Tôi cười lớn, nghĩ bụng cô bé này cũng thật ranh ma. Cô bé đòi đánh giầy cho tôi và coi luôn 1 đồng tiền công đó là tiền lãi phải trả.
Tôi đánh giá cao sự thông minh của cô bé, liền ngồi xuống ghế và nói: “Nếu cháu đánh không giỏi, điều đó chứng minh cháu đang nói dối và ta đã đầu tư cho một người không thành thật, nghĩa là ta đã thất bại trong vụ làm ăn này”.
Cô bé vội vã thanh minh rằng, mình đã luyện đánh giày suốt một tháng liên tục. Cần phải biết rằng, ở nông thôn không nhiều người có giầy da. Cô bé đã đi đến từng nhà từng nhà đề nghị họ cho đánh giầy để luyện tay nghề.
Vài phút sau, nhìn giầy có vẻ đã sáng bóng, tôi gật đầu hài lòng, rút từ trong túi ra một chiếc bút đỏ, viết lên hai má cô bé hai chữ “cừ nhất”. Cô bé vui ra mặt.
Đúng lúc đó, một chiếc xe chở khách du lịch tới. Cô bé vội đeo chiếc thùng lên lưng và chạy ra, chỉ lên mặt và nói với những người khách lạ: “Đây là lời khen của khách dành cho cháu, các chú có muốn thử không ạ? Cháu sẽ giúp giày của các chú sáng như gương”.
Cứ như thế, cô bé luôn chân luôn tay phục vụ khách…
Ảnh minh họa.
Đến ngày thứ hai, tôi đến khách sạn, thấy cô bé đã mở hàng từ khi nào. Cô bé vui vẻ nói với tôi, hôm qua nó đã kiếm được 60 đồng. Trừ đi 20 đồng trả cho tôi, 3 đồng tiền ăn, nó đã kiếm được 37 đồng.
Tôi vỗ vỗ đầu, khen cô bé làm rất tốt.
Cô bé khoe tối qua không ngủ ở gầm cầu mà ngủ trên một chiếc giường tập thể nhưng không đóng 5 đồng tiền chỗ ngủ. Tôi cảm thấy nghi ngờ, tại sao lại không trả tiền chỗ ngủ? Cô bé đã cười rất đắc ý: “Cháu giúp ông bà chủ ở đó đánh sạch 10 đôi giầy, hôm nay vẫn được ngủ mà không cần trả tiền”.
5 ngày trôi qua rất nhanh, đã đến ngày tôi phải rời khỏi thành phố này. Trong 5 ngày này, mỗi ngày cô bé trả cho tôi 20 đồng, như vậy là đã đủ 100 đồng tiền vốn.
Cô bé biết tôi là giám đốc một công ty đầu tư ở Bắc Kinh nên nói rằng, khi nào tốt nghiệp đại học, cô bé sẽ đến Bắc Kinh tìm tôi. Nói xong, nó chìa bàn tay nhỏ ra, tôi cũng giờ tay ra, hai bàn tay nắm thật chặt…
Thời gian trôi qua thật nhanh, thoắt cái đã 15 năm
Tôi đã rời công ty đầu tư hồi đó, tự mở một công ty thương mại. Hôm đó, tôi đang ở trong phòng làm việc, bận không có lúc nào nghỉ vì công ty vừa bị tổn thất mất một lô hàng.
Vừa đặt điện thoại xuống, cô thư ký vào báo có một thanh niên muốn hẹn tôi ăn cơm trưa. Tôi chẳng kịp ngẩng đầu, hỏi ai, cô thư ký lấy ra một cái móc chìa khóa đặt lên bàn.
Nhìn vào món đồ, tôi ngớ người. Trên chiếc móc chìa khóa có một con gấu nhỏ làm bằng thủy tinh, trên đó có khắc 3 chữ: “Tôi cừ nhất”.
Tôi bất chợt nhớ ra, chiếc móc chìa khóa này là món quà tôi đã tặng cho cô bé đánh giầy từ 15 năm trước, trước khi tôi về Bắc Kinh.
Buổi trưa đến, tôi bước vào khách sạn. Ngồi tại vị trí đã đặt trước là một cô gái trẻ, rất xinh đẹp. Cô gái cười thật tươi, hơi cúi thấp đầu khi nhìn thấy tôi. Từ trên khuôn mặt ấy, tôi thấy hình ảnh cô bé đánh giày năm nào từ từ xuất hiện trong tiềm thức.
Lúc uống trà, cô gái lấy ra một tờ chi phiếu trên đó có ghi số tiền 8 triệu đồng (8 triệu NDT) và nói: “Cháu muốn đầu tư vào công ty chú, 5 năm sau sẽ thu hồi lợi nhuận”.
8 triệu NDT, đó là một khoản tiền không nhỏ. Cô gái vẫn giữ nụ cười trên môi tiếp tục nói:
“15 năm trước, chú dạy cháu biết áp dụng phương thức thế chấp để sinh tồn. Từ chiếc hộp đánh giày, cháu đã hoàn thành rất nhiều mục tiêu mình đặt ra. Hiện tại, cháu cũng có công ty riêng. 8 triệu này cháu đầu tư đi và có một yêu cầu riêng về lợi tức.”
Tôi ngẩng đầu, hỏi cô bé muốn bao nhiêu tiền. Và “đối tác” của tôi đã trả lời rất bình thản: “1 đồng”.
Tôi dựa lưng vào ghế, nở một nụ cười. 100 đồng của tôi bỏ ra từ 15 năm trước, giờ đây đã được đền đáp một khoản lên đến 8 triệu đồng, đây chính là khoản đầu tư thành công nhất trong sự nghiệp làm ăn của tôi.
Thành công không chỉ là bạn có bao nhiêu tiền, quan trọng là bạn đã giúp người khác được bao nhiêu và có bao nhiêu người vì bạn mà cảm động, nhờ bạn mà trưởng thành.